Cảnh Dương là một xã ven biển nằm cạnh quốc lộ 1A, cách Vũng Chùa Đảo Yến khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10km, kết nối thuận lợi với các khu, điểm du lịch, trung tâm kinh tế xã hội của vùng Bắc Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đèo Ngang. Cảnh Dương cách Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 48km…tiếp cận thuận lợi bằng đường biển đến Cảng Hòn La, Vũng Chùa – Đảo Yến và các tuyến du lịch đường sông đi Sông Gianh, sông Son.
Nhắc đến Cảnh Dương, không ai không biết đến phong tục thờ Cá Ông (thờ Nam Hải Bồ Tát) với Linh Ngư Miếu, Lễ hội Cầu Ngư. Linh Ngư Miếu là nơi thờ 2 bộ xương cá Voi có chiều dài lớn nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m. Theo truyền thuyết của làng, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây Gia Phả) có ghi “cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9, cá ông vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16”. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó,bộ xương cá bà được thờ ở bên phải và bộ xương cá ông được thờ ở bên trái.
Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, có thể được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam sau khi hoàn thành việc phục chế. Không chỉ vậy, Cảnh Dương còn có nghĩa địa Cá Voi nơi yên nghỉ của khoảng 17 cá ông, cá bà, đã “lụy” vào làng trong gần 375 năm nay. Có lẽ đây là cái duyên, sự trùng hợp ngẫu nhiên khi thế đất của Cảnh Dương nhìn từ trên cao như hình 2 con cá voi đang vẫy đuôi tiến vào bờ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương ở vào một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Là cầu nối liền vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh với phân khu chiến trường Bình Trị Thiên, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, đây chính là mục tiêu chiến lược quân sự mà thực dân Pháp cần đánh chiếm để hòng chặt đứt mạch máu giao thông, chiếm giữ Đèo Ngang và làm vị trí tiền tiêu quan trọng. Đặc biệt, với vị thế ở sát biển, gần đường quốc lộ 1A rất thuận tiện cho việc tiến quân về mặt giao thông thủy bộ, nếu chiếm được Cảnh Dương thì cả khu vực Roòn dễ dàng nằm trong vòng kiểm soát của thực dân Pháp.
Tên tuổi làng chiến đấu Cảnh Dương đã trở thành một biểu tượng mẫu mực đối với nhân dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước. Với những đóng góp to lớn và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, Cảnh Dương đã được Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương chiến công hạng nhất, 2 Huân chương chiến công hạng hai, 1 Huân chương chiến công hạng ba và 1 Huân chương quân công hạng ba.
Không những vậy, đến Cảnh Dương giờ đây, du khách sẽ ngỡ ngàng với cung đường bích họa bắt đầu từ Đình thờ Tổ cho đến đường ven biển không khác gì với làng Bích Họa Tam Thanh nức tiếng ở Quảng Nam. Với những bức tranh tường, tranh 3D độc đáo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến, những nét đẹp bình dị của làng biển trù phú này. Trên cung đường bích họa ấy, khách du lịch cũng có thể tham quan những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô, còn nguyên màu rêu xanh cổ kính, trải nghiệm cuộc sống của người dân ở làng biển trù phú, đứng đầu sóng gió này.
Làng bích họa Cảnh Dương – cái tên nghe thôi đã thấy thật đặc biệt. Là một xã ven biển với cảnh quan thơ mộng của tỉnh Quảng Bình. Vị trí nằm cạnh quốc lộ 1A, cách khu mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 10km.
Được biết tới với gần 400 năm lịch sử. Nơi đây nổi tiếng với những bức tranh và hiện tại thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng và chụp ảnh…
Để tạo thêm điểm nhấn cho du khách khi đến với Quảng Bình, Sở Du lịch phối hợp với cộng đồng địa phương biến làng ven biển Cảnh Dương thành một làng bích họa đẹp với cảnh quan thơ mộng và rất đỗi bình yên.
Ngay từ đường vào làng, du khách sẽ không khỏi bất ngờ với con đường làng nhỏ nhắn nhưng rất sạch sẽ và bao quanh là những bức tranh 3D độc đáo phác họa phong cảnh làng biển, cuộc sống bình dị cùng câu chuyện hình thành, phát triển, truyền thống anh hùng trong kháng chiến của người dân nơi đây.
“Khi làng mình có những bức tranh bích họa, tôi và bà con rất vui vì cảnh quan trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, cũng ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến làng hơn làm không khí đông vui nhộn nhịp, đặc biệt là vào ngày cuối tuần, bà con cũng có thêm thu nhập từ việc phục vụ khách”, cô Nguyễn Thị A, một người dân làng Cảnh Dương cho biết.
Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Bình, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trang hoàng thêm con đường bích họa, phát triển nơi đây thành địa điểm du lịch hấp dẫn và mới lạ cho du khách tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, đầu tư thêm một số địa điểm khác như công viên thuyền thúng, hải đăng, nhà hàng, homestay phục vụ du khách lưu trú.
Đi bộ trên con đường làng, hít thở mùi nắng sớm và nhìn những nụ cười luôn nở trên môi người dân Cảnh Dương để cảm nhận được rằng hóa ra bình yên không phải ở đâu xa, bình yên đang dừng chân tại nơi đây – làng bích họa Cảnh Dương.