Đèo Ngang, cái tên đã quá nổi tiếng khi được nhắc đến trong nhiều bài thơ và câu ca. Đồ rằng không ai không biết đến những câu “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà...” trong bài “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh quan. Hãy cứ đến đây lúc sáng sớm hay chiều tà, khi những áng mây bảng lảng quấn lấy đỉnh núi, bạn như chìm vào giấc mơ sương khói trần gian.
Đèo Ngang là đèo trên Quốc lộ 1A vượt núi Hoành Sơn là ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bây giờ.
Còn xưa kia, nó là ranh giới cũ giữa Đại Việt (và trước đó là Đại Cồ Việt, nhà Tiền Lê đào sông Nhà Lê nối từ Hoa Lư tới Đèo Ngang) với Chiêm Thành, từ sau khi người Việt giành được độc lập (năm 939, thời nhà Ngô) và trước thời kỳ Nam tiến của người Việt (năm 1069, thời nhà Lý). Thời Pháp thuộc đèo có tên trên bản đồ là Porte d'Annam.
Từ năm 2004 Hầm đường bộ Đèo Ngang được xây dựng, thay thế đoạn đường đèo vượt núi Hoành Sơn.
Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn, như một thanh kiếm lớn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đâm thẳng ra biển theo hướng tây đông, cắt ngang con đường thiên lý bắc nam. Đèo dài 6 km, đỉnh cao khoảng 250 m, nằm cách TP Đồng Hới 80 km về phía nam, cách TP Hà Tĩnh 75 km về phía bắc, phần đất phía Quảng Bình thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phần đất phía Hà Tĩnh thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh.
Trên đỉnh đèo Ngang hiện còn di tích của cửa ải Hoành Sơn Quan là một cái cổng bằng gạch đá được xây vào năm 1833 thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Người dân địa phương thường gọi nơi đây là “cổng trời”, có nghĩa là điểm cao nhất của vùng đất này, ví như lên đây là có thể đến được với trời rộng bao la vậy. Sau khi vượt hàng nghìn bậc đá uốn lượn theo sườn núi, chúng tôi chạm tới “cổng trời”, đứng ở đây tha hồ ngắm trời - đất - biển nước mênh mông. Núi non trùng điệp kéo dài tít tắp, xa xa là nhà cửa làng mạc trù phú, từng ô ruộng như bàn cờ vào vụ chín rộ màu vàng và thấy được cả những đoạn đường lượn quanh ôm dưới chân Hoành Sơn.
Hoành Sơn Quan những năm 1920 - 1929
Sát đèo Ngang về phía Quảng Bình có đền thờ bà Liễu Hạnh, một di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo; đi xa hơn chút nữa là các bãi tắm Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với rừng dương xanh mướt, cát trắng xóa kết hợp với các đảo giữa biển xanh như Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến tạo thành những thắng cảnh tuyệt đẹp như trong tranh thủy mặc. Đây rõ là cụm du lịch chưa được đánh thức ở miền đất này.
Đèo Ngang là con đèo lịch sử đã đi vào ca dao, huyền thoại. Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Phước Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát... đã lưu dấu tại đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ. Đặc biệt, bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan rất nổi tiếng, được xem như vẽ lên bức tranh thủy mặc.
Hãy một lần đến đèo Ngang, dừng chân, đứng lại, bước lên những bậc tam cấp rong rêu đến cổng Hoành Sơn để đắm mình trong những khung cảnh trầm mặc, thả hồn vào mây trời và ngâm nga vài tứ thơ, như trở lại thời của những cố nhân thi ca.
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Với khung cảnh thiên nhiên đầy chất thơ và trữ tình, đèo Ngang là nơi dừng chân hấp dẫn nhiều du khách trên tuyến quốc lộ 1A.
Di tích Hoành Sơn Quan hay còn thường được gọi "cổng trời", xây dựng dưới thời Minh Mạng vào năm 1833, nằm trên đỉnh đèo Ngang (ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), cao hơn 4m với hai bên là cả ngàn bậc thang được đào vào núi.
Vượt ngàn bậc đá uốn lượn, du khách bước đến "cổng trời" phóng tầm mắt về phía trước là cả một vùng đất Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rộng lớn.
Hoành Sơn Quan là di tích cổ, khi xưa vốn để kiểm soát việc qua lại đèo và mang trong mình vẻ trầm mặc, cổ kính, rêu phong theo thời gian.
Giờ đây trãi qua thời gian nhưng Cổng Hoành Sơn Quan hay gọi là Cổng Trời vẫn sừng sững hiên ngang giữa đất trời, là điểm điến hấp dẫn cho mọi du khách trong hành trình Bắc – Nam hoặc hành trình về Vũng Chùa - Đảo Yến viếng mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp..